Từ ngày 17 đến 19-12, tại
Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ X. Điều đặc biệt,
đây là hội nghị dưới sự tổ chức của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X
với dàn lãnh đạo mới, đứng đầu là Chủ tịch hội - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Trước đó, vào tháng 5, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có những bước đi
có tính đột phá về văn học trẻ và các cây bút trẻ bằng việc ra mắt “Giải thưởng
tác giả trẻ” với trị giá cao nhất là 30 triệu đồng. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt
Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, Giải thưởng tác giả trẻ đang kiếm tìm những
chỉ dấu, tín hiệu cho một nền văn chương mới, nghệ thuật mới, cảm hứng mới,
ngôn ngữ mới, vẻ đẹp mới trong văn học. Bởi vậy, lắng nghe, phát hiện, quan
sát, gợi mở, động viên và tạo những điều kiện có thể cho họ là nghĩa vụ của Hội
Nhà văn Việt Nam.
Như vậy, 5 năm sau hội nghị viết văn trẻ lần thứ IX tổ chức vào tháng 9-2016
tại Hà Nội với sự tham dự của 100 cây bút thì hội nghị lần thứ X thực sự đem
lại không khí rất phấn khởi, trọng thị của lớp đàn anh dành cho các cây bút trẻ
hiện nay. Nhà thơ Hữu Việt - Trưởng Ban Văn học trẻ Hội Nhà văn Việt Nam cho
biết, hội nghị lần này sẽ mang tính đột phá mới, đem lại những hy vọng cũng như
sự trân trọng với những cây bút thế hệ mới rất sáng tạo hôm nay.
Có lẽ, nhiều người trong đó có những nhà văn lớn tuổi luôn băn khoăn về sự kế
cận về văn học trẻ “thiếu tầm” nhưng thực tế không hẳn như vậy. Bởi qua những
tác phẩm của: Nhật Phi, Hồ Huy Sơn, Thái Cường, Phạm Bá Diệp, Lê Minh Nhật, Cao
Nguyệt Nguyên, Yến Nhi, Đinh Thành Trung, Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Tru
Sa, Trần Băng Khuê... cho thấy tư duy của họ đã thay đổi hoàn toàn về ý tưởng,
nội dung và bút pháp so với lớp đàn anh, có xu hướng tiệm cận với văn học thế
giới hiện đại. Đây là điều rất đáng mừng.
Trước xu thế mới của thời đại, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kỳ vọng: “Chúng tôi
mong muốn tạo ra đời sống văn học trẻ, văn học thiếu nhi sôi động. Chỉ cần 10,
20 năm nữa thôi tác giả trẻ hiện nay tiếp tục sự nghiệp và tạo ra chân dung văn
học Việt Nam mới. Tôi từng dự lễ trao giải thưởng Hemingway của Mỹ chỉ dành cho
tác giả dưới 35 tuổi. Sau này, họ trở thành những tác giả quan trọng của nền
văn học Mỹ. Vì vậy, đây là chủ trương đúng đắn, tạo ra cho người trẻ một thế
đứng khác, một sự tôn trọng cũng như trách nhiệm khác”.
Tuy nhiên, dù có những thành tựu đáng ghi nhận nhưng nhiều tác phẩm của các cây
bút trẻ hôm nay rất khó khăn tiếp cận với bạn đọc, trong đó cơ bản và quan
trọng nhất chính là những độc giả trẻ - thế hệ cổ vũ tiếp sức cho các nhà văn
trẻ. Đó là mặt trái của công nghệ nghe nhìn và Internet - mạng xã hội hôm nay.
Vì thế, dù nhiều tác phẩm được giải thưởng ở các cuộc thi lớn như: Văn học tuổi
hai mươi, truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, truyện ngắn trên báo Văn nghệ
được quảng bá, tiếp sức rất lớn nhưng công chúng vẫn đón nhận dè dặt với các
tác phẩm này. Đây chính là điều trở ngại lớn làm giảm sự nhiệt huyết của các
cây bút trẻ. Tất nhiên cũng có những cây bút trẻ đã chuyển hướng từ “tác phẩm
giấy” sang “văn học mạng” để truyền tải tới công chúng qua mạng xã hội và bước
đầu cũng có sự thành công nhất định.
Văn học Khánh Hòa có một giai đoạn xuất hiện nhiều cây bút trẻ và đã 3 lần tổ
chức được hội nghị dành cho các cây bút trẻ. Một thế hệ mới đã trưởng thành
như: Tạ Hương Nhuận, Ngô Thế Lâm, Nguyễn Hữu Phú, Lê Đức Quang... nhưng theo
họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Hội nghị viết văn trẻ
lần thứ X toàn quốc giới hạn tuổi là 35 nên các cây bút trẻ Khánh Hòa đều không
có đại biểu tham dự vì trẻ nhất cũng đã 38 tuổi. Đây là điều đáng tiếc, bởi Hội
nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc là sự kiện quan trọng do Hội Nhà văn
Việt Nam tổ chức định kỳ 5 năm một lần, nhằm đánh giá hoạt động văn học trẻ
thời gian qua, đồng thời tạo sân chơi, khuyến khích lực lượng viết văn trẻ trên
cả nước trao đổi những vấn đề học thuật mà họ đang quan tâm.
Theo chúng tôi được biết, có một đại biểu là người con Nha Trang, Khánh Hòa
được mời tham dự hội nghị lần này, đó là cây bút trẻ Phạm Bá Diệp, anh làm việc
tại TP. Hồ Chí Minh. Phạm Bá Diệp có những quyển sách mang phong cách kỳ ảo đạt
giải khuyến khích Văn học Tuổi 20 lần thứ 5 và giải ba lần thứ 6: UREM: Người
đang mơ, Yagon: Những kẻ vô cảm rất ăn khách được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Phạm Bá Diệp sinh năm 1991, là con trai út của nhà văn Ái Duy - hội viên Hội
Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Theo Baokhanhhoa.vn